Ghi nhận trên BCTC CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), An Khang đã trở thành công ty con với tỷ lệ sở hữu lên đến 99,99% vốn. Trong đó, đầu tháng 11/2021, nhóm Công ty đã mua thêm 1,294 triệu cổ phiếu của An Khang với giá phí hợp nhất kinh doanh là 52,2 tỷ đồng.
Trước đó trong thông báo tổng kết năm 2021, MWG đã công bố việc hợp nhất kinh doanh chuỗi nhà thuốc kể từ quý cuối năm qua. “Sau khi đạt hiệu quả kinh doanh tích cực ở cấp độ công ty với 178 cửa hàng cuối năm 2021 và chính thức hợp nhất vào kết quả kinh doanh của MWG, chuỗi nhà thuốc An Khang sẽ đầu tư cả về nguồn lực tài chính và đội ngũ lãnh đạo chuyên trách để phát triển mạnh mẽ”, phía MWG cho biết.
Đối thủ là Long Châu có 1 năm thắng lớn: Doanh thu chỉ trong quý 4/2021 đã vượt cả năm 2020 với 1.400 tỷ đồng
Động thái “chơi lớn” với chuỗi dược của MWG diễn ra trong bối cảnh mảng này tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt hậu Covid-19. Nhìn từ đối thủ đáng gờm là chuỗi Long Châu (được vận hành bởi FPT Retail), doanh thu Công ty liên tục tăng bằng lần nhờ hoạt động xuyên suốt đại dịch. Đặc biệt, “thiên thời địa lợi nhân hoà” giúp Long Châu nhanh chóng có lãi nhẹ, dù kế hoạch ban đầu của ban lãnh đạo sẽ hoà vốn đến năm 2023.
Cả năm 2021, doanh thu chuỗi Long Châu đạt 3.977 tỷ đồng, tăng 3,3 lần so với năm 2020. Riêng quý 4/2021, Long Châu có lãi nhẹ thay vì lỗ như trong quý 4/2020 đã thúc đẩy lợi nhuận toàn Tập đoàn FRT tăng mạnh.
Đáng chú ý, chỉ 1 quý cuối năm tổng doanh thu Long Châu đạt đến 1.400 tỷ đồng – gấp 4 lần cùng kỳ và thậm chí cao hơn con số cả năm 2020 là 1.191 tỷ đồng. Nguyên nhân nhờ mở thêm 200 shop mới, và nhu cầu chăm sóc sức khoẻ người dân tăng lên.
Hiện, chuỗi Long Châu sở hữu 400 nhà thuốc trên khắp 53 tỉnh thành, mở mới 200 nhà thuốc so với đầu năm. Chỉ riêng trong quý 4, gần 100 cửa hàng Long Châu được mở mới, nhờ đó Long Châu đã vượt mục tiêu mở mới 150 cửa hàng đặt ra đầu năm 2021.
Xâm chiếm mọi ngóc ngách ngành bán lẻ, và dược phẩm cũng không ngoại lệ?
Về phía MWG, với tiềm lực vốn lớn cũng như mạng lưới phân phối rộng rãi, hậu Covid-19 Công ty cho thấy loạt động thái gọi nôm na là “xâm chiếm” ngành bán lẻ. Từ tháng 10/2021, MWG ra mắt chuỗi TopZone – chuyên cho Apple Fan. Liên tiếp sau đó, MWG lần lượt ra mắt 5 chuỗi bán lẻ mới mang thương hiệu AVA, bao gồm AVASport (trang phục, phụ kiện thể thao), AVAFashion (thời trang), AVACycle (xe đạp), AVAKids (sản phẩm cho mẹ và bé) và AVAJi (trang sức).
Theo MWG, những ngành hàng mới thực tế vừa được manh nha trong thời gian giãn cách, đây đồng thời cũng là công cụ hỗ trợ tăng trưởng chung của Tập đoàn, cùng với các mảng hiện hữu. Cũng trả lời về chất vấn liệu MWG có quá tham lam khi lấn sân loạt ngành hàng (cạnh tranh với cả người anh em cũ là Con Cưng), CEO Đoàn Văn Hiểu Em nói: “Có thể mọi người nhìn vào thấy MWG hơi tham lam khi làm cùng lúc 5 chuỗi, nhưng chúng tôi cảm thấy mình có đủ lợi thế để thực hiện”.
Trở lại với chuỗi An Khang, tính đến cuối quý 3/2021, khoản lỗ từ công ty liên kết An Khang (trước đây là Phúc An Khang) tiếp tục tăng thêm 3,8 tỷ đồng. Theo đó, sau hơn 2 năm về chung nhà, MWG hiện ghi nhận gần 9,4 tỷ thua lỗ tại chuỗi An Khang. Đây là phần lỗ tương ứng với 49% cổ phần mà MWG nắm giữ, như vậy tổng lỗ của An Khang từ khi MWG chính thức ghi nhận là công ty liên kết vào khoảng hơn 19 tỷ đồng.
Được biết, nằm trong xu hướng tìm động lực tăng trưởng mới những năm 2017-2018, MWG cũng từng thể hiện tham vọng lớn khi mua lại chuỗi An Khang (cạnh tranh trực diện với đối thủ FPT Shop cũng thâu tóm chuỗi Long Châu). Tuy nhiên nhận định thị trường chưa đến thời điểm chín mùi, MWG chỉ dừng lại đầu tư liên kết với tỷ lệ sở hữu 49% cổ phần. Theo báo cáo, MWG lúc bấy giờ chi hơn 62 tỷ đồng cho thương vụ này.
“Thị trường dược phẩm tại Việt Nam vẫn còn rất phức tạp. Vì vậy, MWG vẫn giữ một chân trong thị trường này để tìm hiểu chứ chưa có ý định phát triển mạnh trong thời gian gần”, ông Nguyễn Đức Tài nói tại buổi chia sẻ đầu năm 2018.
Một lý do khác khiến MWG không vội vã đầu tư ngành dược bởi quy mô bán lẻ vẫn nhỏ, bằng khoảng một nửa so với ngành di động. Trong khi đó, thị trường hàng tiêu dùng lớn hơn nhiều nên chuỗi này phải dốc sức đầu tư vào Bách hoá Xanh, không muốn và không đủ nguồn lực phát triển mạnh hơn chuỗi An Khang.
Sang năm 2021, MWG có động thái mới với chuỗi dược khi bắt đầu tái cấu trúc theo hướng kết hợp chuỗi nhà thuốc An Khang bên cạnh Bách Hoá Xanh. Bởi, chuỗi bán lẻ thực phẩm đang có lợi thế lớn với lượng khách hàng ổn định nên có thể kết hợp với các chuỗi khác. Theo kế hoạch, MWG đang bố trí diện tích 20-30 m2 cho nhà thuốc và ngay lập tức có lượng khách tốt 100-150 hóa đơn/ngày và doanh thu khoảng 200-300 triệu đồng/tháng. Dự kiến, với các cửa hàng Bách Hoá Xanh lưu lượng khách lớn 1.000 người/ngày có thể triển khai đặt nhà thuốc An Khang là 100 người.
Nguồn: cafef.vn