Mặc dù chỉ được cấp phép khám chữa bệnh, nhưng PKĐK Bắc Ninh vẫn trực tiếp kê đơn bán thuốc cho bệnh nhân. Đặc biệt, phòng khám này còn kê đơn loại thuốc không rõ nguồn gốc, nhãn mác khiến người bệnh lo lắng khi sử dụng?
Thuốc không nhãn mác, liệu có an toàn cho người bệnh?
Hiện nay, các phòng khám tư nhân được khá nhiều người dân lựa chọn mỗi khi có nhu cầu khám chữa bệnh bởi dịch vụ nhanh gọn, thuận tiện, không phải xếp hàng chờ đợi như tình trạng quá tải ở các bệnh viện công. Tuy nhiên, lợi dụng tâm lý ngại ngùng của người bệnh mỗi khi đến khám các bệnh nhạy cảm, một số phòng khám tư đã giở đủ các chiêu trò hù doạ, vẽ bệnh để moi tiền của bệnh nhân.
Mặc dù chỉ mới được cấp phép hoạt động vào cuối tháng 10/2023 nhưng PKĐK Bắc Ninh đã bị người dân phản ánh bán thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Trước tình hình này, Sở Y tế Bắc Ninh đã có nhiều động thái chấn chỉnh hoạt động hành nghề ngoài công lập. Đặc biệt là các phòng khám hành nghề chữa các bệnh xã hội (lậu, giang mai), nam học, yếu sinh lý, hiếm muộn…
Tuy nhiên, do lợi nhuận “khủng” đến từ nhu cầu của người dân, nhiều phòng khám vẫn bất chấp quy định, thực hiện quy trình khám chữa bệnh vượt quá giấy phép, tư vấn sai để “moi” tiền bệnh nhân.
Mới đây, tòa soạn Sức khỏe Việt nhận được rất nhiều thông tin liên quan đến Phòng khám Đa khoa Bắc Ninh (PKĐK Bắc Ninh) tại đường Lý Anh Tông, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh (Bắc Ninh) có dấu hiệu hoạt động không đúng quy định, “vẽ” bệnh moi tiền, bán thuốc chữa bệnh khi chưa được cấp phép…
Để tìm hiểu, Phóng viên (PV) đã trải nghiệm dịch vụ tại cơ sở này và ghi nhận được nhiều dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng như hoạt động vượt quá phạm vi chuyên môn, có hành vi “vẽ” bệnh moi tiền đối với bệnh nhân.
Giữa tháng 11, PV đã trực tiếp tới thăm khám bệnh nam khoa tại PKĐK Bắc Ninh để “mục sở thị”. Tại phòng khám, PV được nữ lễ tân tiếp nhận thông tin và đưa PV lên phòng khám treo biển “Phòng Khám Nội 202”.
Khoảng 10 phút sau, một nhân viên nam mặc áo Blouse trắng (đeo biển tên không có thông tin) gọi bệnh nhân vào phòng khám, trong phòng có 1 nữ nhân viên khác cũng đeo biển tên không thể hiện thông tin. Sau khi hỏi thông tin cá nhân, nam nhân viên bắt đầu hỏi đến tình trạng sinh lý đang gặp phải. Tiếp đến, người này yêu cầu người bệnh để điện thoại lên bàn và nằm lên chiếc giường đặt trong phòng khám. Sau đó, nam nhân viên tiến hành khám phần bộ phận sinh dục, người này sử dụng bông tăm chọc sâu vào trong niệu đạo bệnh nhân để lấy dịch.
Kiểm tra qua loa xong, nam nữ nhân viên tại phòng này tiếp tục yêu cầu người bệnh xuống tầng 1 để đóng tiền và đưa ra hàng loạt danh mục xét nghiệm như: Máu, Dịch, Vi sinh, nước tiểu, HIV, viêm gan B, tinh dịch đồ, nước tiểu, siêu âm…
Sau khi nộp số tiền gần 1,2 triệu đồng, người bệnh được hướng dẫn đến các phòng chức năng để xét nghiệm chỉ định trên,
Khoảng hơn 1 tiếng, sau khi được thăm khám, xét nghiệm, người bệnh được yêu cầu trở lại “Phòng Khám Nội 202” để đọc bệnh án. Vừa đọc tệp giấy kết quả khám bệnh trên tay, nam nhân viên tại phòng này bắt đầu “phán bệnh” và chỉ ra PV bị một loạt bệnh nam khoa (mặc dù PV hoàn toàn khỏe mạnh trước khi thăm khám tại đây).
Theo lời nam nhân viên, PV bị: “Dịch niệu đạo có bạch cầu 2+, khi bạch cầu xuất hiện thì có cái viêm nhiễm ở đường niệu. Ở đây có cầu khuẩn, gây ra cái viêm đường tiết niệu. Cái này của em là viêm đường tiết niệu, viêm niệu đạo do cầu khuẩn. Cái viêm niệu đạo nó cũng ảnh hưởng đến vấn đề ham muốn và cương cứng” – nam nhân viên nói với vẻ mặt nghiêm trọng.
Điều đáng nói, sau khi “phán” bệnh như bác sĩ chuyên nghiệp và “vẽ ra” nhiều bệnh nam khoa, nam nữ nhân viên phòng 202 đã yêu cầu PV phải lấy thuốc tại phòng khám về nhà uống mới khỏi bệnh.
Sau đó, họ kê đơn, bán cho phóng viên 4 loại thuốc, bao gồm: Levofloxacin, cefuroxim, alphachymotrypsin, Luc Khang với tổng số tiền gần 1,3 triệu đồng. Điều đáng nói, toàn bộ khoản chi phí này đều được thanh toán thông qua việc quét mã QR với số tài khoản 0001665348xxx mang tên Nguyễn Thị L…
Và trong 4 loại thuốc này có 84 viên nén màu vàng cam, được cho là thuốc “Luc Khang”, được phòng khám này bán ra không có bất kỳ thông tin sản phẩm hay tem mác, nội dung thể hiện nguồn gốc, xuất xứ… giá thành lên tới 15 nghìn đồng/1 viên nhưng những viên nén này chỉ được đóng gói sơ sài vào túi bóng.
Ngoài những biểu hiện vi phạm kể trên, việc treo biển hiệu thiếu thông tin tại Phòng khám Đa khoa Bắc Ninh qua khảo sát ngày 22/11/2023 cũng có dấu hiệu sai quy định.
Cụ thể, phòng khám này được Sở Y tế Bắc Ninh cấp phép ngày 24/10/2023 với tên đầy đủ là “Phòng khám Đa khoa Bắc Ninh thuộc Công ty cổ phần đầu tư phát triển DA Group”, nhưng trên biển thực tế 2 tấm biển lớn treo bên ngoài phòng khám chỉ thể hiện dòng chữ “Phòng khám Đa khoa Bắc Ninh”. Việc thiếu một phần thông tin tên cơ sở thể hiện trên biển tại phòng khám cũng dễ gây hiểu nhầm cho người bệnh.
Ngành Y tế Bắc Ninh tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
Thông báo từ Cổng thông tin điện tử ngành Y tế Bắc Ninh (https://syt.bacninh.gov.vn) ngày 27/10/2023 cho thấy, các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân đã và đang có những đóng góp không nhỏ, đồng hành cùng hệ thống y tế công. Tuy nhiên, nếu không có sự quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở này, nguy cơ xảy ra sự cố sẽ gây ảnh hưởng lớn trực tiếp đến sức khỏe và kinh tế của người dân…
Trước nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng, hệ thống phòng khám tư nhân đã góp phần tích cực chia sẻ gánh nặng với các cơ sở y tế công lập trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân.
Một số PKĐK tư nhân còn cố tình làm sai quy định, như: hành nghề không có giấy phép của cơ quan thẩm quyền; cơ sở vật chất, trang thiết bị không đủ hoặc cũ kỹ; bác sĩ là những sinh viên mới ra trường không có kinh nghiệm; môi trường khám chữa bệnh, vệ sinh phòng khám không được bảo đảm, hành nghề không đúng chuyên môn trong giấy phép hành nghề, tuỳ tiện nâng giá các dịch vụ khám chữa bệnh; khám bệnh không thực hiện đầy đủ các quy định về chuyên môn, gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh, thậm chí là tới tính mạng của người bệnh…. là những vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.
Sau khi chỉ định 11 xét nghiệm với giá gần 1,2 triệu đồng, nhân viên tại PKĐK Bắc Ninh tiếp tục chỉ định 4 loại thuốc với giá lên tới gần 1,5 triệu. Đặc biệt, trong đó có 84 viên “Luc Khang” giá 15 nghìn đồng/viên nhưng không có tem nhãn mác, khiến khách hàng lo lắng về chất lượng của sản phầm này
Tuy nhiên, hiện nay việc các phòng khám không đủ tiêu chuẩn hành nghề, hoặc không có giấy phép vẫn hoạt động “chui” gây nên những hệ lụy không hề nhỏ. Đặc biệt phải kể đến những sự việc đáng tiếc, như các trường hợp bệnh nhân tử vong tại phòng khám tư nhân. Điều này đã khiến dư luận hoang mang, lo lắng về chất lượng cũng như sự an toàn khi theo khám ở các cơ sở y tế này.
Xác định bên cạnh việc quản lý, tuyên truyền, ngành y tế Bắc Ninh cũng trọng tâm vào thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, chuyên đề, thường kì và đột xuất để kịp thời phát hiện các sai phạm, chấn chỉnh và xử lí vi phạm nếu có.
Thời gian qua, Sở Y tế Bắc Ninh đã phối hợp với các đơn vị liên quan, thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất một số cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh…
Đặc biệt, trong năm đã triển khai 09 cuộc kiểm tra, giám sát công tác hành nghề Y, Dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền là 844.100.000 đồng.
Các văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan đến hoạt động hành nghề y, dược có nhiều nội dung thay đổi, tác động đến điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề và cấp phép hoạt động, trong khi các cá nhân, tổ chức hành nghề chưa chủ động nghiên cứu và cập nhật văn bản mới. Bên cạnh đó, việc phân cấp quản lý cũng chưa rõ ràng, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh, đặc biệt là vấn đề phân cấp đối với quận, huyện, xã, phường chưa phù hợp với thực tế…
Ngành cũng duy trì làm tốt công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo theo đúng trình tự thủ tục của pháp luật quy định. Với những cơ sở hành nghề y, dược tư nhân có sai phạm và bị người dân khiếu nại, tố cáo, Sở Y tế Bắc Ninh sẽ trực tiếp thành lập đoàn thanh, kiểm tra hoặc phối hợp, đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố trực tiếp quản lý cơ sở hành nghề vi phạm đó đến kiểm tra, xác thực và xử lí vi phạm nếu có. Kiên quyết yêu cầu tạm dừng hoạt động, tháo gỡ các quảng cáo sai sự thật.
Để quản lý tốt, cần có một hệ thống quản lý điện tử thông qua mạng Internet. Ở đó công khai, minh bạch mọi thông tin về bác sỹ, phạm vi chuyên môn, niêm yết giá công khai tại các phòng khám tư nhân cũng như các sự cố liên quan đến pháp luật. Từ đó có cơ sở để khách hàng (người bệnh, người dân) lựa chọn các bác sỹ, các phòng khám uy tín.
Liên quan đến dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng tại Phòng khám Đa khoa Bắc Ninh, với mục đích phối hợp, đồng hành cùng ngành Y tế Bắc Ninh trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân Tạp chí sức khỏe Việt sẽ tiếp tục thông tin, đồng hành cùng Sở Y tế Bắc Ninh, các cơ quan hữu quan tìm hiểu, thông tin đến độc giả cả nước, góp phần thúc đẩy sự minh bạch trong quản lý nhà nước đối với các hoạt động y tế tư nhân tại địa phương trong thời gian tới.
Hà Khê