HĐQT PV GAS cho biết đang thúc đẩy việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng, mục tiêu là từ năm 2022 bắt đầu nhập khẩu LNG để bù đắp cho nguồn khí trong nước đang suy giảm, chủ động nguồn cung, thúc đẩy phát triển thị trường khí /LNG tại Việt Nam.
Được biết, LNG là khí thiên nhiên được hóa lỏng. Do chỉ chiếm 1/600 thể tích so với khí thiên nhiên ở điều kiện tiêu chuẩn (15 độ C, 1 atm), LNG là sản phẩm khí thuận tiện cho việc tồn chứa, vận chuyển từ nơi sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trên thế giới.
Phương tiện vận chuyển chủ yếu hiện nay là các tàu LNG với tải trọng từ 170.000 m3 đến 260.000 m3, trong đó tải trọng phổ biến nhất là từ 155.000 m3 đến 170.000 m3. Sau khi được vận chuyển đến nơi tiêu thụ, LNG được chuyển trở lại trạng thái khí khi đi qua thiết bị tái hóa khí, sau đó được bơm vào đường ống vận chuyển đến các hộ tiêu thụ.
LNG được sử dụng tương tự như khí khô phục vụ cho nhu cầu khí của các nhà máy điện, hộ công nghiệp, khu đô thị. Hiện nay, LNG còn được sử dụng làm nhiên liệu cho các phương tiện giao thông vận tải: tàu biển, tàu hỏa và xe vận tải nặng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nghị quyết 55-NQ/TW được Bộ Chính trị phê duyệt ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã đặt ra quan điểm, mục tiêu, giải pháp cụ thể đối với ngành công nghiệp Khí là: “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ LNG”; “Phát triển nhiệt điện khí theo hướng ưu tiên sử dụng nguồn khí trong nước. Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”…
Theo đó, PV GAS tích cực hoàn thiện hệ thống hạ tầng LNG và các công tác liên quan để nhập khẩu LNG từ năm 2022. PV GAS cũng xây dựng chiến lược cụ thể về việc phát triển thị trường khí/LNG, trong đó các nhà máy nhiệt điện khí là trọng tâm với tỷ trọng khoảng trên 70%; tăng cường phát triển các khách hàng hóa dầu, hộ công nghiệp, giao thông vận tải, đô thị khoảng gần 30%.
Hiện, PV GAS/Petrovietnam đang tập trung nguồn lực thực hiện đầu tư xây dựng Dự án Kho chứa LNG 1 triệu tấn/năm tại Thị Vải. Tính đến hiện tại, tiến độ dự án Kho LNG Thị Vải hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động vào quý 3/2022. Các dự án đồng hành như trạm xuất LNG bằng xe bồn tại Thị Vải, đường ống LNG Thị Vải – Phú Mỹ… cũng đang triển khai tích cực.
PV GAS cũng phát triển đầu tư phát triển hạ tầng nhập khẩu, tàng trữ, phân phối LNG trên toàn quốc, trong đó mỗi khu vực sẽ được cung cấp từ 3 trung tâm đầu mối LNG cả nước gồm: Khu vực miền Nam (Dự án Kho chứa LNG 1 triệu tấn/năm Thị Vải, tiến tới nâng công suất lên 3 triệu tấn/năm); Khu vực miền Trung (Kho chứa LNG Sơn Mỹ); Khu vực miền Bắc (Quảng Ninh/Hải Phòng/Thanh Hóa).
Nhằm sử dụng tối ưu hệ thống hạ tầng khí, PV GAS thực hiện quy hoạch các cảng xuất nhập LNG thành các cảng hỗn hợp có bổ sung thêm chức năng xuất nhập sản phẩm lỏng và dịch vụ logistic để tận dụng hạ tầng kho cảng, cũng như hành lang các tuyến ống hiện hữu để chủ động cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Về nguồn nhập khẩu LNG, PV GAS tập trung công tác chuẩn bị nguồn nhập khẩu ngắn và trung hạn; hiện đã ký 6 Hợp đồng khung mua bán LNG theo chuyến (MSPA) với các nhà cung cấp LNG.
Nguồn: https://cafef.vn/pv-gas-len-ke-hoach-nhap-khau-nhap-khau-lng-tu-nam-2022-20211112100750158.chn