CP Pokphand (CPP), công ty phụ trách hoạt động kinh doanh của CP tại Việt Nam đang có kế hoạch tư nhân hoá và huỷ niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong (HKEX).
CPF Investment Limited – công ty có trụ sở lại British Virgin Islands dự kiến trả 0,15 USD cho mỗi cổ phần CPP trôi nổi. Bản thân CPFI là công ty con thuộc sở hữu Charoen Pokphand Foods (CPF), tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Thái Lan.
CPFI hiện sở hữu 49,74% cổ phần CPP, có mục tiêu mua lại 6.079 triệu cổ phần, để nâng tỷ lệ sở hữu lên 75%. Số tiền bỏ ra tương ứng vào khoảng 912 triệu USD. Định giá của CPP 3,61 tỷ USD. 25% cổ phần còn lại của CPP thuộc sở hữu của ITOCHU – tập đoàn đến từ Nhật Bản.
Sau khi mua xong cổ phần, CPP sẽ nộp đơn xin huỷ niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán Hong Kong theo Đạo luật Bermuda.
Trong thông báo gửi lên Sở giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET), CPF cho biết “việc huỷ niêm yết sẽ cho phép CPFI và CPP đưa ra các quyết định chiến lược tập trung vào tăng trưởng và lợi ích dài hạn, không bị áp lực bởi kỳ vọng thị trường và giá cổ phiếu phát sinh từ việc CPP là một công ty đại chúng”.
Kế hoạch này cũng được cho là sẽ giảm bớt chi phí quản lý liên quan đến việc duy trì trạng thái niêm yết của CPP và tuân thủ các quy định niêm yết, do đó cho phép CPFI và CPP có sự linh hoạt trong việc quản lý hoạt động kinh doanh của mình cũng như các công ty con.
CPP vận hành hoạt động kinh doanh 3F (Feed – Farm – Food) tại Việt Nam và Trung Quốc với doanh thu đạt hơn 2,3 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng 11,8% so với cùng kỳ. Trong đó, 81% doanh thu của CPP đến từ Việt Nam, tương ứng 1,86 tỷ USD; 19% doanh thu từ Trung Quốc. Biên lợi nhuận gộp trong giai đoạn này đạt 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên tới 31,8% khi giá thịt heo ở mức cao do thiếu hụt nguồn cung.
Báo cáo của CPP tiết lộ chi tiết về hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam nửa đầu năm. “Đàn lợn dần phục hồi sau những ảnh hưởng của Dịch tả heo châu Phi, tuy nhiên giá thịt heo bắt đầu xu hướng sụt giảm kể từ đầu năm 2021. Mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi được hưởng lợi khi nhu cầu tăng trở lại; nhưng mảng chăn nuôi, dù vẫn tốt, nhưng không thể mạnh mẽ như nửa đầu năm 2020”.
Chi phí cao hơn trong 6 tháng đầu năm chủ yếu đến từ chi phí nguyên vật liệu, bao gồm ngô và đậu tương. Hơn nữa, đại dịch COVID-19 diễn ra khiến CPP cũng không tránh khỏi ảnh hưởng.
Về cơ cấu, mảng thức ăn chăn nuôi đóng góp 28,1% trên tổng doanh thu; mảng chăn nuôi và thực phẩm đóng góp 71,9%. Biên lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh trong kỳ đạt 30,5% so với mức 37,1% nửa đầu năm 2020.
Sản lượng bán thức ăn chăn nuôi tăng 8,3% đạt 0,85 triệu tấn; doanh thu tăng 20,6% lên 525 triệu USD. Tỷ trọng thức ăn cho heo, gia cầm, thuỷ sản lần lượt chiếm 33,8%, 17,3% và 47,3%. Bênh cạnh thức ăn cho heo phục hồi nhờ nhu cầu, thức ăn thuỷ sản tăng trưởng vững chắc do nông dân nuôi tôm nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Mặt khác, đại dịch COVID-19 làm giảm nhu cầu về thức ăn gia cầm.
Tổng hợp mảng chăn nuôi và thực phẩm ghi nhận doanh thu 1,341 tỷ USD, tăng 8,1%. Chăn nuôi heo đóng góp tỷ trọng chính trong cơ cấu của CP Việt Nam với giá bán trung bình 74.300 đồng, giảm 4,5% so với nửa đầu năm 2020.
Kết quả kinh doanh của CPP theo quốc gia
Trong khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam tiếp tục thăng hoa, thị trường Trung Quốc của CPP lại tỏ ra hết sức ảm đạm. Doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 438 triệu USD và đáng chú ý là khoản lỗ 29,5 triệu USD.
Năm 2020, C.P Việt Nam đạt doanh thu 3,48 tỷ USD và lợi nhuận 967 triệu USD. Kết quả kinh doanh phản ánh công ty này không chỉ là đơn vị số một trong ngành nông nghiệp mà còn ngang ngửa với các ông lớn công nghiệp như Honda, Samsung Electronics – những doanh nghiệp dẫn đầu nền kinh tế Việt Nam về chỉ tiêu lợi nhuận.
Nguồn: https://cafef.vn/tap-doan-thai-lan-muon-huy-niem-yet-cong-ty-dang-thu-ve-hang-ty-usd-moi-nam-tu-ban-cam-thit-lon-xuc-xich-tai-viet-nam-2021100909591816.chn